Nhật Bản - “Sau 3 năm sang Nhật, họ tích lũy được vài trăm triệu đồng, được trau dồi kỹ thuật, kỹ năng chuyên môn, biết ngoại ngữ, ý thức lao động  tốt hơn.  Đó là nền tảng để phát triển nghề nghiệp bền vững”. Ông Nguyễn Gia Liêm, Tham tán, Trưởng Ban Quản lý lao động – Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đã nói như thế trong buổi gặp gỡ 150 tu nghiệp sinh trở về từ Nhật Bản diễn ra tại TPHCM. Nhiều người ở Nhật trở về sử dụng vốn vay vào mục đích kinh doanh, tự tạo việc làm hoặc có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp 100% vốn của Nhật.


3 năm = 500 triệu đồng

Sau khi tốt nghiệp ngành xuất nhập khẩu Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, Huỳnh Tâm Tâm (huyện Ba Tri - Bến Tre) chọn con đường sang Nhật. Ngày 27-7-2006, theo hợp đồng ký kết với công ty phái cử Tradeco, anh sang Nhật làm việc cho một công ty cơ khí. Chịu khó làm việc, sau 3 năm, trừ mọi chi phí, anh tích lũy được khoảng 500 triệu đồng. Ngoài chi tiêu, cải thiện đời sống cho gia đình, Tâm đầu tư mở cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ, tự thiết kế rồi sản xuất đèn gỗ đi bỏ mối cho các cửa hàng kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, tạo thu nhập ổn định 15 triệu đồng/tháng.

Tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thị Kim Ngân (Mỹ Tho – Tiền Giang) xin làm công nhân cho một công ty chế biến dừa ở Bến Tre. Làm được 3 năm, thấy cuộc sống không khá hơn, Ngân đăng ký và sang Nhật thông qua hợp đồng phái cử của Trung tâm Phát triển Việc làm phía Nam (Hiteco). Ngày 23-7-2010, Ngân hoàn thành hợp đồng về nước với tổng thu nhập tích lũy khoảng 550 triệu đồng. Số tiền này Ngân phụ giúp cha mẹ đầu tư nuôi cá bè.

Nguyễn Thị Kim Ngân và Trần Lê Trọng Thanh (từ trái sang) cùng những lao động khác trở về từ Nhật Bản có việc làm ổn định
 
Việc đi Nhật Bản cũng đã thay đổi hẳn cuộc sống gia đình của Lâm Thị Thanh Vân (quận 4 – TPHCM). Vân cho biết gia đình mình rất nghèo, không đủ sức lo cho 5 người con ăn học. Nhờ Vân sang Nhật, cuộc sống gia đình khá hơn trước, em út được học hành đến nơi đến chốn.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, trong số 18.000 lao động Việt Nam đang tu nghiệp tại Nhật Bản, phần đông đều có việc làm ổn định, thu nhập bình quân 1.000 USD/tháng. Hầu hết các trường hợp hoàn thành hợp đồng về nước đều tích lũy được thu nhập cao, bình quân  400 – 500 triệu đồng/người.

Trở về dễ có việc làm

Sau khi trở về từ Nhật vào tháng 7-2010, Trần Lê Trọng Thanh (quê Thủ Thừa – Long An) xin vào làm việc cho một công ty sản xuất ống dẫn dầu của Nhật ở Dĩ An – Bình Dương. Thanh cho biết cùng vị trí làm việc, lương của anh được trả cao hơn những người khác. Theo Thanh, tính kỷ luật, tuân thủ nội quy và thái độ lao động là những vốn quý mà anh học được từ người Nhật và đó cũng là lý do mà anh được trả lương cao hơn.

Nguyễn Nữ Quỳnh Trâm (huyện Củ Chi - TPHCM) được Sovilaco đưa sang Nhật Bản từ tháng 7-2004 và hiện đang làm phiên dịch cho một công ty của Nhật ở Thuận An – Bình Dương với mức thu nhập 800 USD/tháng. Tại buổi giao lưu với cựu tu nghiệp sinh của Nghiệp đoàn Kanto – Nhật Bản tổ chức mới đây ở TPHCM, hầu hết trong số 150 người được phát phiếu khảo sát tại chỗ đều cho biết tìm được việc làm ổn định ngay sau khi về nước.

Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Nhật Bản là một trong hơn 40 thị trường XKLĐ mà người lao động trở về có khả năng tìm kiếm việc làm với thu nhập cao, tái hòa nhập cộng đồng cao nhất. Bà Lê Thị Thanh Hương, Giám đốc Công ty Tocontap Sài Gòn, cho rằng nhiều tu nghiệp sinh trở về được bố trí phụ trách kỹ thuật hoặc chuyền trưởng trong các xưởng may của công ty. Còn theo ông Trần Quốc Ninh, Giám đốc Công ty Suleco, trong số hơn 2.500 lao động do công ty đưa đi đã  hoàn thành hợp đồng trở về nước, có 60% trở lại doanh nghiệp cũ làm việc, 30% làm việc trong các doanh nghiệp khác và 5% có điều kiện lập doanh nghiệp, mở cơ sở tự tạo việc làm.

 Chịu khó rèn luyện

Ông Fukada, Chủ tịch Nghiệp đoàn Kanto, cho biết lao động Việt Nam ở Nhật Bản rất chịu khó rèn luyện kỹ thuật, kỹ năng chuyên môn, học hỏi tiếng Nhật. Nhiều chủ sử dụng lao động Nhật Bản tại Việt Nam nhận xét chất lượng làm việc của một số lao động sang Nhật trở về còn hơn cả người  có bằng cấp đại học. Còn theo ông Santo, chủ một nghiệp đoàn đối tác của Tocontap Sài Gòn, các công ty của Nhật ở Việt Nam đều thích sử dụng những người từ Nhật Bản trở về.

CÔNG TY DU HỌC GOLDENWAY GLOBAL EDUCATION
Địa chỉ: 52A Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đa Kao, Q.1, TP.HCM
Điện thoại: (08) 6291 0930 – (08) 2203 0229 - Hotline: 090 666 4229
Email: dung@goldenway.edu.vn (hoặc) edu.goldenway@gmail.com
Website: http://duhocnhatban.ttvclub.com